Saturday, June 25, 2016

Nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động

Câu hỏi: Chào “GÓC LUẬT CỦA BẠN” Tôi là chủ của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, tôi có sử dụng 5 người lao động ký hợp đồng xác định thời hạn 18 tháng. Vậy Công ty tôi có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không? Nếu công ty tôi không đóng báo hiểm xã hội cho người lao động thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời: cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến “GÓC LUẬT CỦA BẠN”
Câu hỏi của bạn chúng tôi trả lời như sau:
Thứ nhất: Công ty bạn đã sử dụng 5 lao động ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 18 tháng. Vậy Công ty bạn bắt buộc phải đóng bảo hiểm cho người lao động theo quy định tại điều 2 Luật BHXH năm 2014 về các trường hợp thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Tại Điều 21 của luật này quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là: “ Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Thứ hai: Trường hợp nếu công ty bạn không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có nghĩa là công ty bạn đã vi phạm quy định pháp luật về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đó, công ty bạn sẽ được xử lý theo quy định tại khoản 3 điều 26 Nghị định 95/2013/ NĐ – CP quy định thì sẽ bị xử phạt như sau: 
“Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.”

Ngoài ra Công ty bạn còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 4 điều 26 Nghị định 93/2013/ NĐ – CP đó là:
"a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này”.
Lưu ý: Từ ngày 01/07/2016 Khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì việc không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật tại Điều 216 về “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”
Nếu bạn còn điều gì thắc mắc, vui lòng liên hệ:
Email: luatsutuvan.lawfirm@gmail.com
ĐT: 0166 3815 899.
Trân trọng!

0 comments:

Post a Comment

 
loading...