A. Câu hỏi tình huống
Chào “GÓC LUẬT CỦA BẠN” Hộ gia đình tôi vào tháng 12/2015 bị UBND Quận, ra quyết định thu hồi đất và di dời đối với toàn bộ phần vật kiến trúc xây dựng trên đất ở. Hiện tại gia đình tôi đã tìm được chỗ ở để thay thế khi bị thu hồi đất. Tôi không muốn nhận bồi thường bằng nhà tái định cư hoặc căn hộ chung cư. Xin hỏi trường hợp này tôi yêu cầu bồi thường bằng tiền liệu có được không? Giá trị bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất được tính như thế nào?
B. Trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến “GÓC LUẬT CỦA BẠN”. Về vấn đề bạn hỏi, sẽ được giải quyết như sau:
Theo quy định pháp luật tại Điều 79, Luật đất đai và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 6, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:
a) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
b) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
2. Trường hợp trong hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
3. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tái định cư thi được Nhà nước bồi thường bằng tiền.”
Do đó, trường hợp của bạn, nếu không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở, nhà tái định cư thì Hộ gia đình bạn sẽ được bồi thường bằng tiền.
Về giá trị bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất được tính theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Nghị định 47/2014/NĐ-CP được xác định theo công thức sau:
Tgt = G1 - G1/T X T1
Trong đó:
Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;
G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;
T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;
T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.
+ Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, những vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.
+ Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Mọi thông tin thắc mắc xin liên hệ:
Email: luatsutuvan.lawfirm@gmail.com
ĐT: 0166 3815 899
Trân trọng!
0 comments:
Post a Comment